Khám Phá

Bảo đảm an toàn, hấp dẫn

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 ghi nhận sự suy giảm kỷ lục của ngành Du lịch Hà Nội, khi lượng du khách đến Thủ đô giảm 70% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm đến 84,4%. Khó khăn cho ngành “công nghiệp không khói” chưa dừng ở đó, khi dự báo ít nhất trong nửa đầu năm 2021, ngành Du lịch nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng vẫn chỉ khai thác trong phạm vi thị trường nội địa.

Thực tế, trong năm 2020, trước những tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành Du lịch đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa. Trong đó, phải kể đến chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; chương trình kích cầu du lịch nội địa theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”… Các chương trình này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp và đạt hiệu quả rất tích cực. Từ đó, nhiều sản phẩm du lịch phù hợp được xây dựng giúp cho công suất phòng lưu trú, lượng khách nội địa tăng; ngành Du lịch nói chung, du lịch Thủ đô nói riêng dần phục hồi, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Nhìn lại kết quả năm 2020, điểm nhấn của ngành Du lịch là đề cao tính an toàn, hấp dẫn và khai thác triệt để thị trường nội địa. Xét diễn biến dịch Covid-19 hiện nay cho thấy, xu hướng phát triển thị trường du lịch nội địa vẫn là chủ đạo trong năm 2021. Do đó, ở thời điểm này, các cơ quan chức năng, địa phương, nhất là ngành Du lịch Thủ đô cần tiếp tục thận trọng kích hoạt các hoạt động du lịch để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, tiếp tục đà phục hồi, phát triển.

Quá trình triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa cần đánh giá nhu cầu và hành vi tiêu dùng của du khách để tính toán kỹ về định hướng sản phẩm, vừa phải an toàn, vừa phải hấp dẫn về giá cả, loại hình, chất lượng, xây dựng tour, tuyến phù hợp. Đặc biệt, các sản phẩm phục vụ du khách phải bảo đảm chất lượng để giữ uy tín, thương hiệu, không vì ưu đãi, giảm giá mà làm theo kiểu “được chăng hay chớ…”. Hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, cần thực hiện cơ chế linh hoạt cho việc hoãn, hủy, đổi tour du lịch trên tinh thần chia sẻ, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp cung ứng, sử dụng dịch vụ du lịch và du khách.

Cùng với đó là nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Khuyến khích du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phần mềm ứng dụng công nghệ số liên quan. Ngành Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp lữ hành cần đẩy mạnh truyền thông về du lịch Thủ đô và cả nước an toàn, hấp dẫn trên các kênh truyền thông, trang web, mạng xã hội để góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, hãng hàng không cũng cần phối hợp chặt chẽ để tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chương trình kích cầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá, chất lượng sản phẩm du lịch; kịp thời phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan.

Bảo đảm an toàn và hấp dẫn là giải pháp xuyên suốt để ngành Du lịch nói chung, du lịch Thủ đô nói riêng phục hồi, phát triển trong năm 2021.

Đăng bởi: Nguyệt Trần

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก